Hội thảo ``Truyền thông về Chứng tự kỷ``

Thứ Năm, 02/04/2015
Hội thảo ``Truyền thông về Chứng tự kỷ``
Sáng 2/4/2015, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: ``Truyền thông về Chứng tự kỷ``. Hội thảo được tài trợ bởi quỹ Grand Challenges Canada trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng phần mềm thông minh trong phát hiện và chăm sóc trẻ tự kỷ” do CCIHP thực hiện.

Hội thảo thu hút được nhiều nhà khoa học, đại diện của các cơ quan truyền thông trung ương và Hà nội, đại diện của các tổ chức làm việc về khuyết tật, cha mẹ trẻ tự kỷ, và sinh viên học viện báo chí và tuyên truyền tới tham dự.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhà khoa học, nhà Truyền thông-Báo chí

Hội thảo tập trung nhấn mạnh vào ba vấn đề chính. Thứ nhất là việc nhận thức và truyền thông đúng về rối loạn phổ tự kỷ (tên tiếng Anh là Autism Spectrum Disorder hay viết tắt là ASD). Thứ hai là những khó khăn, kinh nghiệm, kỹ năng và nguyên tắc chung trong việc làm truyền thông của các nhà báo. Thứ ba là những kinh nghiệm của nước ngoài về việc truyền thông về tự kỷ.

Đại diện của Học viện báo chí và tuyên truyền, đại diện của câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Việt Nam đã có các bài trình bày đề dẫn và giới thiệu về tình hình tự kỷ ở Việt Nam. Số lượng trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng gia tăng ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Liên hợp Quốc đã chọn ngày 2-4 là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ nhằm kêu gọi các quốc gia quan tâm tới tự kỷ. Ở Việt Nam, chứng tự kỷ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban ngành như y tế, giáo dục, lao động thương binh và xã hội… Báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về hội chứng tự kỷ, từ đó tác động đến thái độ, hành động của xã hội đối với hội chứng này.

Bà Nguyễn Tuyết Hạnh, đại diện của VAN đã bày tỏ những mong muốn đối với truyền thông hết sức cụ thể, bao gồm việc hiểu đúng, có thái độ đúng và hành động đúng trong công tác truyền thông. Những người làm báo cần đưa thông tin đúng về chứng tự kỷ, người tự kỷ và gia đình họ cũng như quan tâm đến mong muốn của gia đình người tự kỷ. Bên cạnh đó, hãy nhìn vào tài năng của người tự kỷ, truyền thông vận động chính sách, giúp những người tự kỷ trưởng thành có công ăn việc làm, hòa nhập với cuộc sống.

Bà Nguyễn Tuyết Hạnh đã bày tỏ những mong muốn đối với truyền thông về trẻ tự kỷ

Đại diện của môt số báo đã chỉa sẻ những đóng góp của truyền thông và kinh nghiệm thực tế trong việc truyền thông về tự kỷ. Các nhà báo cũng đưa ra một số khó khăn trong quá trình truyền thông như không có thông tin, thông tin thiếu chính xác, không tiếp cận được nguồn thông tin và thông tin không thường xuyên được cập nhật.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Song Hà - Phó giám đốc CCIHP đã trình bày một số bài học kinh nghiệm trong truyền thông về tự kỷ ở các nước khác trên thế giới. Bài trình bày nhấn mạnh ảnh hưởng to lớn của truyền thông đối với nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ, và sự cần thiết của việc có nguồn thông tin chính thống, tin cậy và sự phối hợp của các nhà chuyên gia. Tiến sĩ cũng chia sẻ nhằm góp phần đẩy mạnh phát hiện sớm để can thiệp sớm, cung cấp thông tin và công cụ hỗ trợ cho cán bộ y tế, người chăm sóc trẻ nhỏ và người chăm sóc trẻ tự kỷ, CCIHP đang phối hợp cùng với VAN, các chuyên gia trong nước và quốc tế đang xây dựng phần mềm ứng dụng sử dụng trên máy tính và thiết bị di động. Phần mềm này sẽ góp phần cung cấp các thông tin chính xác và cập nhật cho nhà chuyên môn và cha mẹ. Những người làm công tác truyền thông cũng có thể tham khảo ở đây.

Buổi hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với rất nhiều sự chia sẻ, đóng góp ý kiến từ các nhà truyền thông, báo chí, giáo viên, phụ huynh và sinh viên. Qua đó, góp phần tuyên truyền giúp mọi người hiểu đúng và đặc biệt đưa ra được các nguyên tắc cơ bản truyền thông về chứng tự kỷ.

Nguyên tắc truyền thông về chứng tự kỷ

  • Dùng cụm từ ‘chứng tự kỷ’ thay thế cho cụm từ `bệnh tự kỷ`.
  • Chứng tự kỷ không phải do cách nuôi dạy của cha mẹ gây ra.
  • Tự kỷ không phải chứng rối nhiễu tâm lý và cảm xúc.
  • Tránh dùng từ tự kỷ với ý nghĩa đùa bỡn hoặc cho là kỳ quặc, nguy hiểm.
  • Tự kỷ không phải là chứng bệnh chữa khỏi được.
  • Tránh củng cố những khuôn mẫu, định kiến tiêu cực về người tự kỷ

 

Thông tin thêm về hội thảo có thể tìm thêm ở các đường links dưới đây:

  1. Hội thảo khoa học: "Truyền thông về Chứng tự kỷ” – Học viện Báo Chí và Tuyền truyền

http://ajc.edu.vn/Tin-tuc-Su-kien/Hoi-thao-khoa-hoc-Truyen-thong-ve-Chung-tu-ky/19838.ajc

  1. “Truyền thông về Chứng tự kỷ” - Vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về Chứng tự kỷ - Sóng trẻ

http://www.songtre.tv/news/video/truyen-thong-ve-chung-tu-ky-vai-tro-cua-truyen-thong-trong-viec-nang-cao-nhan-thuc-ve-chung-tu-ky-47-9015.html

  1. Con số gây sốc: 166 trẻ em có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ - Báo Việt Nam net

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/230063/con-so-gay-soc--166-tre-em-co-1-tre-mac-chung-tu-ky.html

  1. Hội thảo “Truyền thông về chứng tự kỷ” (02/04/2015) – Báo Đại đoàn kết

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1433&chitiet=103471&Style=1

  1. Chứng tự kỷ: Cần truyền thông đúng và nhận thức đúng – Tạp chí Lao động và xã hội

http://tcldxh.vn/ArticlesDetail/tabid/193/cateid/6/id/15419/language/vi-VN/Default.aspx

  1. Chứng tự kỷ: cần sự quan tâm, nhìn nhận đúng từ truyền thông – Báo Sức khỏe và đời sống

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/chung-tu-ky-can-su-quan-tam-nhin-nhan-dung-tu-truyen-thong-20150402222153994.htm

  1. Trẻ tự kỷ không phải do cách nuôi dưỡng của bố mẹ

http://www.vietnamplus.vn/tre-tu-ky-khong-phai-do-cach-nuoi-duong-cua-bo-me/315562.vnp



Các tin mới hơn


Các tin khác